Cùng Ngắm Nhìn Các Cây Cầu Đà Nẵng Nổi Tiếng Nhất

Cầu Đà Nẵng là một trong những nét đặc trưng của thành phố biển đáng sống nhất Việt Nam. Mỗi cây câu cầu mang trong mình những đặc trưng khác nhau khiến nhiều du khách thích thú. Và để giúp các bạn hiểu hơn về chúng, Top360 sẽ cùng bạn khám phá từng cây cầu này nhé.

Cầu Sông Hàn Đà Nẵng – Cầu quay duy nhất tại Việt Nam

Địa chỉ: 145 Cầu Sông Hàn, An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng

Sông Hàn dòng sông trải dài và nằm giữa thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, đây cũng là cái tên cho con cầu xoay đặc trưng tại thành phố biển này. Cầu sông Hàn là một trong 9 cây cầu Đà Nẵng, được khởi công vào năm 1998 và hoàn thành vào năm 2000, tính đến nay con cầu 22 năm tuổi này đã gắn liền với rất nhiều sự kiện nổi bật của thành phố.

Cầu sông Hàn về đêm
Cầu sông Hàn về đêm

Cầu sông Hàn có chiều dài 487,7 mét gồm 11 nhịp cầu được cấu thành từ hệ thống bê tông cốt thép chắc chắn đảm bảo áp lực đủ lớn cho các phương tiện giao thông di chuyển trên cầu. Ngoài ra cầu còn có 2 hệ thống dây văn nhiều màu sắc, khi mặt trời xuống cũng là lúc du khách có thể nhìn thấy những mảng màu lấp lánh chạy trên hệ thống dây văn này.

Cầu sông Hàn đang quay
Cầu sông Hàn đang quay

Ngoài hệ thống dây văn và được biết đền là biểu tượng của các cây cầu Đà Nẵng, sông Hàn còn được biết đến là câu cầu xoay duy nhất tại Việt Nam còn hoạt động. Với phần giữa có thể tách ra, con cầu quay này có khả năng xoay quanh trục dọc theo dòng chảy của sông một góc 90 độ.

Cũng vì nét đặc biệt này mà đa số du khách sẵn sàng đợi chờ đến đêm khuya để chứng kiến cây cầu Đà Nẵng này quay. Theo lịch gần đây nhất được điều chỉnh, cầu sẽ được quay vào lúc 23h và quay ngược lại vào lúc 24h cùng ngày trong hai ngày cuối tuần nhằm phục vụ du lịch. Riêng các ngày trong tuần cầu sẽ quay vào lúc 1h sáng và đóng lại lúc 2h sáng. Ngoài du lịch, việc xoay cầu giúp đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy.

Cầu Rồng Đà Nẵng – Biểu tượng kiến trúc mới trong thời kỳ hội nhập

Địa chỉ: 27 Cầu Rồng, An Hải Trung, Sơn Trà, Đà Nẵng

Cầu Rồng là cây cầu có kiến trúc độc đáo bậc nhất tại Đà Nẵng mà ai đến đây cũng ấn tượng. Cầu được xây dựng vào năm 2009, mất gần 4 năm để hoàn thành với tổng chiều dài 666,565m với 6 làn đường và chi phí đầu tư đạt 1,5 nghìn tỷ đồng. Cũng chính vì được đầu tư sau với số tiền lớn mà đây cũng là cây cầu có lượng lưu thông được đánh giá là đông đúc so với các cầu Đà Nẵng khác.

Cầu Rồng ngày nắng
Cầu Rồng ngày nắng

Ngoài mức đầu tư khủng và lưu lượng xe lớn, cầu Rồng như tên gọi của mình mang cho mình hình hài của một sinh vật trong truyền thuyết và là biểu tượng của Đà Nẵng. Con rồng uốn lượn vừa tạo sự khác lạ, độc đáo vừa mang cho mình khát khao hội nhập với thế giới.

Về kiến trúc, cầu được xây dựng bởi 34 đốt dầm với 3.500 tấn thép được xây dựng bởi đội ngũ 60 kỹ sư giàu kinh nghiệm. Toàn bộ các nguyên liệu chế tạo dầm thép được nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng thể hiện được sự đầu tư cũng như chất lượng của cây cầu. Với hệ thống dầm hộp và vòm thép được liên kết với nhau, cầu Rồng được xem là cây cầu có kết cấu vòm đặc biệt nhất tại Việt Nam.

Cầu rồng phun lửa
Cầu rồng phun lửa

Ngoài dáng vẻ độc đáo và được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là “một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ” thì cầu cũng có khả năng như một chú Rồng thật, khả năng phun lửa và phun nước.

Vào 21h thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, “Rồng” sẽ phun lửa, phun nước với hệ thống công nghệ hiện đại, nguồn nước được dẫn và tạo ra từ chính áp lực bên trong con rồng kết hợp với nguồn lực sông Hàn. Mỗi lần phun chú Rồng biểu tượng sẽ phun 2 lượt lửa tiếp đến 3 lượt nước và mỗi lượt tương đương 1 phút, đủ lâu và đặc biệt để thu hút người dân và khách du lịch đến chiêm ngưỡng mỗi tuần.

Cầu Trần Thị Lý – Cánh buồm căng gió ra biển lớn

Địa chỉ: Hòa Cường, Hải Châu, Đà Nẵng

Cầu Trần Thị Lý mặc dù mới được xây dựng lại vào năm 2013 thế nhưng lại là cầu Đà Nẵng ghi nhiều dấu ấn của lịch sử nhất. Được biết rằng tại vị trí cây cầu Trần Thị Lý mới này vào năm 1951 người Pháp đã cho xây dựng cây cầu bắc qua sông Hàn mang tên De Lattre De Tassigny để nối liền hệ thống đường bộ và đường sắt. Trải qua nhiều năm biến cố theo lịch sử cầu được đổi tên là Trần Thị Lý vào năm 1975.

Cầu Trần Thị Lý
Cầu Trần Thị Lý

Cầu Trần Thị Lý thuộc một trong 7 cây cầu Đà Nẵng bắc qua dòng sông Hàn. Cầu được xây dựng nhằm thay thế cho cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý cũ. Với hình ảnh cánh buồm căng gió ra biển khơi đây cũng là một phần tạo nên biểu tượng của thành phố của những cây cầu.

Cầu Trần Thị Lý về chiều
Cầu Trần Thị Lý về chiều

Ngoài thiết kế với tạo hình độc đáo với trục chính của cầu cao đến 145 mét và hệ thống dây văng làm nên tên tuổi. Cây cầu Đà Nẵng còn được xem là cây cầu “sóng gió” khi có chiều dài đạt khoảng 731m, mức chiều dài lớn như vậy làm cho người dân khi đi qua cầu vào mùa mưa bão thì khá là khó khăn.

Bên cạnh những “sóng gió” mà cây cầu này mang lại thì cây cầu còn được biết đến là một trong những cầu Đà Nẵng có nhiều kỳ lục nhất khi có gối trụ cầu nặng nhất thế giới (32.000 tấn) và có kết cấu một mặt phẳng dây lớn nhất Đông Nam Á (34,5m). Chính vì những con số biết nói này mà dù không có gì đặc biệt nhưng cầu vẫn nhận được một sự chú ý đặc biệt trong lòng khách du lịch.

Cầu Thuận Phước – Dải lụa nối đôi bờ sông Hàn

Địa chỉ: Cầu Thuận Phước, Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng

Cầu Thuận Phước được xem là một trong những cây cầu có kế hoạch xây dựng khá thành công khi cầu chỉ mất hơn 3 năm để hoàn thành 2km vượt cầu. Được khởi công vào năm 2003 với mức đầu tư kinh phí đạt mức 1000 tỷ đồng, cầu Thuận Phước mang một nét đẹp rất riêng so với các cây cầu Đà Nẵng khác.

Cầu Thuận Phước
Cầu Thuận Phước

Cầu Thuận Phước được xây dựng dưới dạng là hình treo dây võng, được bắt qua cầu sông Hàn, nối liền quận Hải Châu và Sơn Trà. Với chiều rộng 18m và 4 làn xe và độ cao tháp trụ 80m tính từ bệ cọc, Thuận Phước được đánh giá là cây cầu đẹp nhưng vô cùng nguy hiểm.

Cầu Thuận Phước về đêm
Cầu Thuận Phước về đêm

Và chính vì độ cao cũng như chiều dài của cầu mà trong xây dựng Thuận Phước đem lại rất nhiều thử thách cho các kỹ sư và công nhân trong quá trình thi công. Nhưng với những cố gắng của mình các sư đã hoàn thành xong cây câu với kiến trúc cọc khoan nhồi với đường kính lớn (D250 cm) kiên cố với cấp phối bê tông cường độ cao cộng thêm công nghệ đẩy ván khuôn trên đà giáo cố định.

Chính những khó khăn ấy cũng đã tạo nên một Thuận Phước đầy tiếng vang, khi không chỉ đạt về thông số (cây cầu với hệ thống dây cáp chủ của cầu chính dây võng lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam) mà còn về kỷ lục xây dựng (cây cầu xây dựng nhanh nhất) thời bấy giờ.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi – Cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn

Địa chỉ: Cầu Nguyễn Văn Trỗi, Bắc Mỹ Phú, Sơn Trà, Đà Nẵng

Khác với các cây cầu Đà Nẵng được xây hay cải tạo sau này, Nguyễn Văn Trỗi mang cho mình vẻ đẹp hoài cổ khi được xem là cây cầu lâu năm nhất tại thành phố Đà Nẵng (không tính các cây cầu được thay thế, tu sửa lại). Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng vào năm 1960 và được được vào sử dụng năm 1965, là là cây cầu Đà Nẵng đầu tiên được xây dựng để nối đôi bờ sông Hàn.

Cầu Nguyễn Văn Trổi
Cầu Nguyễn Văn Trỗi

Khác với cầu Trần Thị Lý cũ chỉ phục vụ cho việc di chuyển giữa tuyến đường sắt và đường bộ Nguyễn Văn Trỗi được sinh ra để phục vụ cho quá trình giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ của thành phố. Tuy nhiên vào năm 2013 cây cầu chính thức ngừng hoạt động đi lại để đảm bảo an toàn cho các phương tiện và biến thành cây cầu đi bộ, trở thành địa điểm giao lưu của giới trẻ.

Hoạt động trên cầu Nguyễn Văn Trổi
Hoạt động trên cầu Nguyễn Văn Trỗi

Nói về kiến trúc thì cầu Nguyễn Văn Trổi so với các cây cầu khác không mang quá nhiều sự hào nhoáng cũng chẳng có kỷ lục nào nhưng chẳng kém phần đặc biệt. Cầu được sơn màu vàng nổi bật với kiến trúc vòm bằng giàn thép poni khác lạ. Với độ dài 500m và 14 nhịp cầu đây cũng là địa điểm “sống ảo” của nhiều người.

Cầu Vàng Đà Nẵng – Ấn tượng với kiến trúc bàn tay độc đáo

Địa chỉ: Cầu Vàng, Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng

Hoàng hôn trên cầu Vàng
Hoàng hôn trên cầu Vàng

Cầu Vàng, một trong những cây cầu Đà Nẵng có kiến trúc ấn tượng nhất, không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà nó còn vang danh tới cả nhiều nơi trên thế giới.

Nhắc đến Cầu Vàng, chúng ta không thể không nhắc đến lối kiến trúc độc đáo, sáng tạo, đầy ấn tượng. Cây cầu nằm ở độ cao 1400m, dài gần 150m, có tất cả 8 nhịp và nhịp lớn nhất có chiều dài tới 21,2m. Điểm đặc biệt nhất khi nói tới cầu Vàng có lẽ là hình ảnh hai bàn tay khổng lồ đang nâng cây cầu lên. Ý tưởng thiết kế này được gợi mở từ “hình ảnh một dải lụa vàng được rút ra từ lòng núi và được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ”.

Khi đặt chân lên cầu, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm nhìn cảnh sắc hùng vĩ từ cây cầu Đà Nẵng xuyên qua những “khoảng mây” bồng bềnh, huyền ảo.

Cầu Vàng mùa du lịch
Cầu Vàng mùa du lịch

Với nét kiến trúc sáng tạo như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi hoàn thành, cầu Vàng đã thu hút được một lượng lớn du khách tới tham quan và được bình chọn là một trong những cây cầu có thiết kế độc đáo và ấn tượng nhất thế giới năm 2018. Ngoài ra, cây cầu Đà Nẵng đặc biệt này được tờ Daily Mail (Anh) đánh giá là cây cầu dần đầu trong top 10 kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của giới trẻ năm 2021 và được nhắc tới rất nhiều trong các bài báo về du lịch khác nữa.

Cũng từ những thành tích trên, cầu Vàng chính là niềm tự hào với người dân Việt Nam nói chung và với ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Để khi nhắc tới Đà Nẵng người sẽ nhớ ngay tới “dải lụa vàng trên bàn tay Phật”.

Cầu Tình Yêu – Địa điểm check in lãng mạn

Địa chỉ: Đường Trần Hưng Đạo, An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng

Một cây cầu nằm trên sông Hàn nhưng không bắc qua sông Hàn, không dùng để tham gia giao thông mà là nơi lý tưởng để “đánh dấu” mối tình của nhiều đôi bạn trẻ. Nhắc đến cầu Đà Nẵng chắc chắn sẽ không thể bỏ qua, đó là Cầu Tình Yêu.

Cầu Tình yêu
Cầu Tình yêu

Cầu Tình Yêu được đưa vào hoạt động từ năm 2015, nằm ở giữa cầu Rồng và cầu Sông Hàn. Là một nơi để chứng minh tình yêu đôi lứa nên nét kiến trúc của cây cầu cũng được thiết kế theo phong cách khá là lãng mạn với hình dáng vòng cung mềm mại và những cột đèn trái tim đầy ngọt ngào.

Điểm đặc biệt của Cầu Tình Yêu so với những cây cầu khác tại Đà Nẵng đó là những ổ khóa được khóa lại ở trên cầu. Mỗi ổ khóa chính là một câu chuyện riêng về tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, những hoạt động và cái view ở đây cũng là điều thu hút được ngày càng nhiều bạn trẻ tới tham quan.

Móc khóa trên cầu Tình yêu
Móc khóa trên cầu Tình yêu

Ngoài ra, khi tới Cầu Tình Yêu, các bạn còn được ngắm nhìn nhìn tượng cá chép hóa rồng, một biểu tượng của người dân Đà Nẵng. Ý nghĩa về sự bền bỉ, không ngại khó khăn, khát khao vươn lên trong cuộc sống chính là thông điệp mà cây cầu Đà Nẵng này muốn truyền tải.

Với những nét độc đáo và ý nghĩa lãng mạn của mình, Cầu Tình Yêu là một trong những địa điểm hấp dẫn khách du lịch tới Đà Nẵng nói chung và mong khám phá các cây cầu Đà Nẵng nói riêng. Là nơi minh chứng cho những kỷ niệm tình yêu đẹp của nhiều cặp đôi khi đặt chân tới đây.

Cầu Ngã Ba Huế – Cây cầu vượt 3 tầng đầu tiên ở Việt Nam

Địa chỉ: Cầu Ngã Ba Huế, Hòa Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng

Được mệnh danh là cây cầu vượt 3 tầng đầu tiên ở Việt Nam, Cầu Vượt Ngã Ba Huế có nét kiến trúc ấn tượng và có ý nghĩa đặc biệt với giao thông Đà Nẵng.

Cầu vượt Ngã ba Huế
Cầu vượt Ngã ba Huế

Cũng là cầu vượt để góp phần giao thông thuận lợi, nhưng Cầu Vượt Ngã Ba Huế không giống bất cứ cây cầu Đà Nẵng nào cũng như những cây cầu vượt khác ở Việt Nam. Cầu Vượt Ngã Ba Huế được thiết kế với 3 tầng, bao gồm tầng mặt đất, tầng 1 (vòng xuyến) và tầng 2 (dây văng). Điểm nổi bật của cây cầu này là trụ tháp dây văng hình parabol cao 65m và vòng xuyến với đường kính 150m. Lối kiến trúc được lấy cảm hứng từ biểu tượng Linga và Yoni của chúa tể muôn loài, thần Silva.

Cầu Ngã ba Huế về đêm
Cầu Ngã ba Huế về đêm

Với vị trí giao thoa của nhiều tuyến đường quan trọng. Cầu Vượt Ngã Ba Huế được coi là cửa ngõ ra vào thành phố và có vai trò quan trọng đối với giao thông, góp phần mở ra những cơ hội phát triển mới cho thành phố trên con đường huyết mạch Bắc – Nam.

Tuy không được biết đến nhiều như những cây cầu Đà Nẵng khác. Nhưng vẻ đẹp và ý nghĩa mà Cầu Vượt Ngã Ba Huế cũng là một trong những niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.

Cầu Tiên Sơn – Cây cầu vượt sông cuối cùng trên Hành lang Kinh tế Đông Tây

Địa chỉ: Cầu Tiên Sơn, Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng

Cầu Tiên Sơn hay Cầu Tuyên Sơn là một trong những cây cầu Đà Nẵng bắc qua sông Hàn, nối liền hai quận của Đà Nẵng là quận Ngũ Hành Sơn và quận Hải Châu, là cây cầu kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Cầu Tiên Sơn
Cầu Tiên Sơn

Trong 6 cây cầu bắc qua sông Hàn, Cầu Tiên Sơn là cây cầu duy nhất được đầu tư xây và quản lý bởi Bộ giao thông vận tải. Cầu có thiết kế đơn giản, không lộng lẫy như những cây cầu khác trên sông Hàn, nhưng lại có ý nghĩa với nền kinh tế thành phố Đà Nẵng nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.

Cầu Tiên Sơn về đêm

Cầu Tiên Sơn về đêm

Đây là cây cầu vượt sông cuối cùng trên Hành lang Kinh tế Đông Tây, trước khi con đường xuyên Á này qua cảng nước Tiên Sa vươn ra biển Đông. Mang trọng trách vận tải hàng hóa cho thành phố và cùng lúc nhiều quốc gia khác.

Có một điều thú vị nữa ở cây cầu này đó là về cái tên nhiều tranh cãi của nó. Mặc dù Hội đồng nhân dân thành phố đã ra nghị quyết khẳng định Tiên Sơn là đúng, nhưng cuộc tranh cãi Tiên Sơn hay Tuyên Sơn mới là cách gọi đúng với ý tưởng của cha ông thời xưa thì vẫn chưa có hồi kết.

Có thể nói rằng 9 cây cầu Đà Nẵng đều có những vẻ đẹp riêng, những ý nghĩa riêng. Mỗi cây cầu Đà Nẵng lại mang trong mình một vẻ đẹp độc đáo, những nét tính cách khác nhau. Vậy nên đừng chần chừ gì nữa hãy cùng Top360 trực tiếp khám phá vẻ đẹp này nha.

Đánh giá bài viết

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top