Khám Phá Vẻ Đẹp Cuốn Hút Của Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng

Bảo tàng Chăm Đà Nẵng – nơi lưu giữ những kiến trúc điêu khắc tiêu biểu của một Vương quốc từng tồn tại và phát triển rực rỡ, Vương quốc cổ Champa. Cùng theo chân Top360 khám phá ngay kho tàng di sản văn hóa ghi dấu lịch sử một thời trên lãnh thổ Việt Nam ta nhé!

Bảo tàng Chăm Đà Nẵng – Nơi lưu dấu nét văn hóa lâu đời

Địa chỉ7:30 – 11:00 | 13:00 – 17:00
Giá vé60.000 VNĐ/người/lượt tham quan

Địa chỉ:

Bắt đầu từ năm 1902 các ý tưởng về việc xây dựng một khu bảo tàng nhằm lưu giữ và trưng bày các tác phẩm điêu khắc Chăm đã nhen nhóm hình thành. Và đến năm 1915, Tòa nhà Bảo tàng Chăm Đà Nẵng đầu tiên đã được xây dựng và dần phát triển đến như hiện nay.

Vị trí của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Vị trí của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng

Qua quá trình hơn 100 năm mở rộng và trùng tu kéo dài, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng hiện là nơi lưu giữ các hiện vật của nền văn hóa Champa lớn nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng Chăm có diện tích lên tới 6.673m2 được sử dụng để trưng bày các di vật cổ và các bộ tranh ảnh, tài liệu quý hiếm về nền văn hóa Chăm.

Khuôn viên Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Khuôn viên Bảo tàng Chăm Đà Nẵng

Và xứng đáng với những giá trị văn hóa được lưu giữ đó, năm 2011 Bảo tàng Chăm Đà Nẵng lọt top danh sách các Bảo tàng hạng nhất tại Việt Nam. Đây như là huy chương chứng minh cho những vai trò và đóng góp của Bảo tàng đến công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa hàng đầu Việt Nam.

Lộ trình đến Bảo tàng Chăm Đà Nẵng:

Lộ trình cung cấp cho quý khách xuất phát từ các vị trí khác nhau hướng đến Bảo tàng Chăm nằm ngay dưới chân Cầu Rồng, cụ thể:

Từ sân bay: cách Bảo tàng khoảng 3km, khách tham quan nên đi xe ôm công nghệ cho tiện để di chuyển đến nơi nhanh chóng.

Từ ga xe lửa: cách Bảo tàng khoảng 4km nên du khách có thể đi xe ôm hoặc bắt taxi để đến tham quan nhé.

Từ bến xe: cách Bảo tàng khoảng 10km, khoảng cách khá xa nên khách tham quan có thể gọi xe ôm công nghệ hoặc tiện hơn là thuê xe máy để tự do di chuyển và lại tiết kiệm chi phí hơn. Nếu tự di chuyển thì quý khách nên chạy theo hướng đường Điện Biên Phủ rồi rẽ vào đường Nguyễn Tri Phương, rồi đường Nguyễn Văn Linh hướng Cầu Rồng là đến nơi.

Nghe thuyết minh tại bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Để có thể tiếp thu được nhiều thông tin hơn về Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, khách tham quan nên sử dụng dịch vụ thuyết minh tại đây. Hiện dịch vụ thuyết minh hiện tại gồm cả miễn phí và mất phí sẽ được trình bày cụ thể ở dưới đây.

Sử dụng app thuyết minh miễn phí

Để sử dụng được dịch vụ này khách tham quan vui lòng thực hiện theo các bước sau:

B1: Thiết bị di động phải kết nối với Internet, sử dụng mạng cá nhân hoặc dùng wifi miễn phí của Bảo tàng.

B2: Khách tham quan cần truy cập vào địa chỉ: https://chamaudio.com tại trình duyệt web trên điện thoại thông minh.

B3: Lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với khả năng của bản thân, chọn 1 trong 3 loại tiếng sau: Việt Nam, Anh, Pháp và chọn tên hiện vật muốn nghe thông tin hoặc khách tham quan có thể quét mã vạch dán cạnh hiện vật để được nghe thông tin nhanh hơn.

Đây là một cách sử dụng dịch vụ thuyết minh được nhiều người ưa chuộng bởi vừa miễn phí, vừa có không gian riêng, tự do tìm hiểu và khám phá các thông tin mà bản thân cần. và nó đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ đi một mình hoặc nhóm ít người.

Thuê hướng dẫn viên

Thường thì hướng dẫn viên sẽ phục vụ cho đoàn từ 5 người trở lên, du khách cần để ý khi muốn thuê. Dịch vụ này cũng cung cấp thuyết minh trên 3 ngôn ngữ chính là: Việt Nam, Anh, Pháp.

Hướng dẫn viên đang thuyết minh về các hiện vật
Hướng dẫn viên đang thuyết minh về các hiện vật

Thời gian phục vụ: 7h – 11h và 14h – 17h. Lưu ý, việc đăng ký thuê dịch vụ sẽ dừng trước 10h sáng và 16h chiều để đảm bảo đủ thời gian cho việc thuyết minh. Đặc biệt, các đoàn muốn hướng dẫn viên tiếng Anh hoặc Pháp thì phải liên hệ trước ít nhất 3 ngày để đảm bảo có được sự sắp xếp hợp lý.

Dịch vụ này thích hợp với những người thích khám phá chuyên sâu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. Khi bạn có câu hỏi, thắc mắc thì hỏi người hướng dẫn, họ sẽ trả lời nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều. Hình thức này phù hợp với các gia đình, hội những người lớn tuổi và những người đặc biệt yêu lịch sử.

Các hoạt động không nên bỏ lỡ khi đến bảo tàng Chăm Đà Nẵng

Để khách tham quan có được những trải nghiệm đáng nhớ nhất, chúng mình gửi đến bạn một số hoạt động không nên bỏ qua khi đến với Bảo tàng Chăm Đà Nẵng nhé!

Ngắm nhìn các kiến trúc từ thời Champa độc đáo

Kiến trúc của Bảo tàng được thiết kế bởi 2 kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair, và được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic nổi tiếng ở châu Âu. Đây là lối kiến trúc chủ yếu được sử dụng tại các nhà thờ lớn, thánh đường tạo nên vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính.

Bảo tàng Chăm Đà Nẵng được xây dựng nổi bật với những mái hình vòng cung và các đầu nhọn tạo nên vẻ đẹp riêng của lối thiết kế Gothic nổi bật hẳn ở giữa nền văn hóa Việt Nam. Không chỉ vậy, các phòng ở đây còn có rất nhiều cửa sổ tạo nên sự thông thoáng, không bí bách, ánh sáng luôn đầy đủ khiến du khách luôn thoải mái để ngắm nhìn các hiện vật.

Kiến trúc tại Bảo tàng Chăm
Kiến trúc tại Bảo tàng Chăm

Khi đến với Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, khách tham quan sẽ được đắm chìm ngay trong không gian tràn ngập hương vị cổ xưa khi mà các bức tường theo thời gian dài đã phủ lên mình một lớp rêu xanh, khu vườn trắng toát màu hoa sứ tạo nên bức tranh đẹp mà hấp dẫn tính tìm tòi và khám phá của con người.

Bảo tàng Chăm Đà Nẵng – phong cách kiến trúc mang đậm nền văn hóa Pháp, cũng là đặc trưng của văn hóa Champa đáng để giữ gìn và truyền đạt đến những thế hệ mai sau.

Tìm hiểu về các bảo vật quốc gia

Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là bảo tàng lưu giữ hiện vật văn hóa Champa lớn nhất nước ta hiện nay. Không chỉ vậy, hiện tại ở đây còn trưng bày và bảo quản 4 cổ vật được xếp vào hàng ngũ bảo vật quốc gia bao gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ Tát Tara, Đài thờ Đồng Dương.

Đài thờ đá Mỹ Sơn E1
Đài thờ đá Mỹ Sơn E1

Đài thờ đá Mỹ Sơn E1 là hiện vật tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại Khu di tích Mỹ Sơn, là đài thờ Champa duy nhất được tìm thấy có miêu tả nhiều nhân vật, cảnh sinh hoạt, cảnh tượng thiên nhiên, động vật. Đây là căn cứ nghiên cứu về các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc, kiến trúc cùng đời sống tâm linh và đời sống xã hội của Champa cổ đại.

Đài thờ Trà Kiệu
Đài thờ Trà Kiệu

Đài thờ Trà Kiệu – hiện vật tiêu biểu cho sự tồn tại của một khu kinh thành và thờ tự của Champa có tên gọi là Simhapura. Các chạm khắc hình người tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật Champa, các chi tiết nghệ thuật trên búi tóc, trang sức, y phục và dáng điệu trên đài thờ Trà Kiệu đạt chuẩn điển hình về phong cách nghệ thuật Champa.

Tượng Bồ Tát Tara
Tượng Bồ Tát Tara

Tượng Bồ Tát Tara được đúc hoàn chỉnh với kỹ thuật đúc tinh xảo, đặc biệt, là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật quan trọng của điêu khắc Champa cổ. Đây là một phong cách nghệ thuật vừa mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, vừa chứa đựng nhiều tính sáng tạo trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật Champa.

Đài thờ Đồng Dương
Đài thờ Đồng Dương

Đài thờ Đồng Dương là bằng chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc và điêu khắc của vương quốc Champa. Lối điêu khắc và hoa văn trang trí trên đài thờ là một trong những yếu tố đặc trưng tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật mới – phong cách Đồng Dương.

Dạo quanh phòng trưng bày

Đến với Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, khách tham quan sẽ được quan sát, tìm hiểu về 500 hiện vật đang được trưng bày. Tuy hiện tại Bảo tàng đang lưu giữ hơn 2000 cổ vật nhưng hầu hết đều được lưu trữ cẩn thận trong kho để cho những dịp đặc biệt và đảm bảo tồn tại thời gian lâu hơn.

Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng

Hiện tại, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng gồm 12 phòng trưng bày thường xuyên, mỗi phòng là một khu vực, ví dụ như Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Quảng Bình,… để khách hàng dễ dàng nhận thấy được các đặc điểm kiến trúc văn hóa đặc trưng theo từng vùng địa phương.

Phòng trưng bày Trà Kiệu
Phòng trưng bày Trà Kiệu

Bên cạnh đó, còn có thêm 4 phòng trưng bày theo chuyên đề gồm: Văn khắc Champa, Gốm Sa Huỳnh – Champa, Lễ hội và Nghề truyền thống của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận và Giới thiệu kết quả Khảo cổ học tại di tích Champa Phong Lệ phù hợp với từng nhu cầu tìm tòi, khám phá của du khách.

Các sản phẩm điêu khắc tại đây đều được làm từ 3 nguyên liệu chính là đất nung, sa thạch và đồng, và hầu như đều là nguyên bản. Gần như tất cả các sản phẩm đều là các vị thần trong Ấn Độ giáo như thần rắn Naga, thần Shiva,… và đều có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, thể hiện sinh động đời sống văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của người Champa.

Những điểm cần lưu ý khi đến tham quan tại bảo tàng Chăm

Dưới đây là các quy định được nêu tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, du khách nên đọc trước để tránh khỏi những sai sót không đáng có.

  • Khách vào tham quan phải xuất trình vé tham quan Bảo tàng. Trang phục gọn gàng, lịch sự.
  • Không hút thuốc, mặc áo mưa, ăn uống trong các phòng trưng bày. Giữ vệ sinh chung và bỏ rác đúng nơi quy định. Không bán hàng rong trong khuôn viên Bảo tàng.
  • Lưu ý, không mang hành lý có kích thước lớn vào Bảo tàng. Các loại hành lý xách tay trên 3 kg phải gửi tại quầy để hành lý (tiền và những vật phẩm có giá trị cao cần đem theo người).
  • Không tự ý tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ trong khuôn viên Bảo tàng khi chưa được sự cho phép của Lãnh đạo Bảo tàng. 
  • Không được mang theo băng rôn, biểu ngữ, vật nuôi vào Bảo tàng; không gây ồn ào, trò chuyển rầm rộ khi tham quan Bảo tàng.
  • Không mang theo vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, các chất độc hại như axit, chất ăn mòn, đồ đạc quá khổ và các vật dụng nguy hiểm khác vào Bảo tàng.
  • Không được tự ý sờ vào hiện vật, không leo trèo, ngồi trên bục bệ trưng bày hiện vật trong Bảo tàng, tôn trọng, giữ gìn di sản chung của quốc gia.
  • Không trèo cây, bẻ cành, ngắt hoa, hái quả… trong khuôn viên Bảo tàng.
  • Không tự ý sử dụng chân máy ảnh, đèn flash để chụp ảnh. Các hành động quay phim, chụp ảnh đều phải được sự đồng ý của Lãnh đạo Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.
  • Khách tham quan phải chịu mọi trách nhiệm liên quan nếu gây ra tổn thất cho Bảo tàng.
  • Khách tham quan sử dụng các ứng dụng công nghệ theo quy định để khai báo y tế trước khi vào Bảo tàng và thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tham quan tại đây (tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, quy định sẽ được thay đổi linh hoạt hơn).

Khám phá các địa điểm du lịch gần đây

Cùng khám phá một số địa điểm du lịch nổi tiếng gần Bảo tàng Chăm Đà Nẵng mà du khách không nên bỏ qua nhé!

Công viên APEC

Công viên APEC siêu xịn sò
Công viên APEC siêu xịn sò

Công viên APEC với thiết kế độc đáo cánh diều uốn lượn tượng trưng khao khát vươn mình thành cánh chim đầu đàn sự phát triển của miền Trung. Là địa điểm hot nhất Đà Nẵng thời điểm hiện tại, mỗi ngày luôn thu hút được lượng lớn du khách đặc biệt là các bạn trẻ đến check in, sống ảo cho ra các tấm ảnh siêu phẩm.

Cầu Rồng Đà Nẵng

Cầu Rồng - biểu tượng của Đà Nẵng
Cầu Rồng – biểu tượng của Đà Nẵng

Cầu Rồng Đà Nẵng biểu tượng của thành phố Đà Nẵng, ai ghé Đà Nẵng cũng sẽ có một tấm ảnh tại cây cầu này đánh dấu mình đã đến đây. Đặc biệt, nên ngắm Rồng phun lửa và tắm mưa cầu Rồng 1 lần để xem lời nguyền “tắm mưa Cầu Rồng sẽ thoát ế” liệu có hiệu nghiệm không nhé!

Cá chép hóa rồng

Cá chép hóa Rồng - địa điểm check in hot
Cá chép hóa Rồng – địa điểm check in hot

Cá chép hóa rồng – một địa điểm sống ảo xịn sò không thể bỏ qua. Được xây dựng dựa trên truyền thuyết “Cá chép vượt Vũ Môn” trở thành biểu tượng cho sức mạnh, may mắn và quyền uy cho mọi người dân.

Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là nơi ghi dấu nền văn hóa lẫy lừng thời kỳ trước của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên mà mỗi người con dân đất nước này không nên bỏ qua. Từ những thông tin mà Top360 cung cấp ở trên, chúng mình hi vọng rằng bạn và gia đình sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích về địa điểm lưu giữ lịch sử văn hóa nước nhà này nhé!

Đánh giá bài viết

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top