Làng nghề truyền thống Hà Nội được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng của thủ đô ngàn năm văn hiến, cũng như là nhận được sự quan tâm của mọi người. Vậy không chần chừ nữa hãy cùng Top360 tìm hiểu ngay những làng nghề truyền thống Hà Nội nhé.
Làng Gốm Bát Tràng – Làng gốm trứ danh đất Hà Nội
Địa chỉ | số 132 thôn 1 Làng cổ, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội |
Điện thoại | 0912.992.544 – 0938.309.713 |
gomsusangtaovietnam@gmail.com | |
Website | https://langgombattrang.vn/ |
Fanpage | fb.com/khonggiangombattrangsaigontphcm/ |
Giờ mở cửa | 08:00 – 20:00 |
Nhắc đến những địa chỉ gốm sứ quen thuộc thì sẽ là một thiếu xót rất lớn nếu như bỏ lỡ cái tên Làng Gốm Bát Tràng, nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Cái tên Bát Tràng có nghĩa là “cái sân lớn”, và làng có lịch sử hình thành từ thời Lê.
Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, cũng như là địa điểm mà du khách trong và ngoài nước không thể không một lần ghé thăm. Làng gốm Bát Tràng chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.
Nơi đây có các địa điểm vui chơi như là:
Sân nặn gốm
Với những người khách du lịch đến làng gốm Bát Tràng, có những người muốn hóa thân thành những người thợ gốm muốn tự tay trải nghiệm quy trình làm ra một sản phẩm như thế nào. Chỉ với 40-60k, bạn có thể thỏa sức sáng tạo từ bộ đất sét và bàn xoay. Tuy lần đầu sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng rồi bạn sẽ thích thú trải nghiệm cảm giác này, tất nhiên là sẽ có sự hướng dẫn từ những người thợ dày dặn kinh nghiệm.
Sau khi bạn hoàn thành “kiệt tác”, sản phẩm sẽ được nung đốt để đem về nhà. Vậy là bạn có thể thỏa sức chụp ảnh sống ảo để khoe bạn bè, người thân tác phẩm nghệ thuật chính tay mình tạo ra phải không nào?
Chợ gốm Bát Tràng
Chợ Gốm là nơi có thể dễ dàng tìm những món quà làm kỷ niệm vừa nhỏ nhắn xinh xắn, vừa độc đáo lại còn rẻ. Các gian hàng ở chợ gốm bày bán rất nhiều sản phẩm gốm sứ như đồ lưu niệm, bát đĩa, cốc chén, đồ trang trí mĩ nghệ, đồ thờ cúng,… vô cùng đẹp mắt. Tất cả sản phẩm ở đây đều được tạo ra từ bàn tay những nghệ nhân nổi tiếng.
Ẩm thực Làng gốm Bát Tràng
Đến với Làng Gốm Bát Tràng không thể không thưởng thức các món ngon đặc sản nơi đây. Du khách có thể dừng chân tại các quán ven chợ để nếm thử vài món ăn vặt với giá siêu mềm như bánh sắn nướng, bánh tẻ nóng hay cơm, bún, miến mang hương vị đặc trưng của làng cổ Bát Tràng. Đặc biệt nhất là không thể bỏ lỡ đặc sản canh măng mực, món ăn truyền thống nức tiếng ở đây. Bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này nhé!
Làng Lụa Vạn Phúc – Làng nghề dệt lụa lâu đời tại Việt Nam
Làng lụa Vạn Phúc trước kia có tên gọi khác là Vạn Bảo. Do kị húy nhà Nguyễn nên làng đã được đổi tên thành Vạn Phúc. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc Hà Đông đã được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và đã được người Pháp đánh giá là 1 trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương.
Qua dòng thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của nó. Và hiện nay, lụa Vạn Phúc đang đi đầu trong ngành dệt Việt Nam. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là đẹp bền. Bởi hoa văn trên lụa đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét thanh thoát, giản đơn mang đến sự dứt khoát, phóng khoáng cho người xem.
Điều đặc biệt khi du khách đến khám phá làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng bị mê hoặc bởi con đường ô Vạn Phúc đa sắc màu rực rỡ. Chính sự trang trí bắt mắt, độc đáo từ những chiếc ô nhiều màu sắc đã mang đến khung cảnh ấn tượng, giúp du khách tha hồ được check in những bức hình đẹp mắt khi đến nơi đây.
Bên cạnh con đường ô rực rỡ sắc màu, làng lụa Vạn Phúc còn có 1 địa điểm check-in cực “hot” đó là bức tường bích họa. Bức tường bích họa lớn đã được các cô giáo trường mầm non Vạn Phúc tái hiện về làng nghề lụa Vạn Phúc ở khu vực trung tâm mà nhiều bạn trẻ đến đây nhất định phải chụp hình làm kỷ niệm.
Làng Nón Chuông – Làng nghề nón mang đậm hồn dân tộc
Theo lịch sử ghi chép lại, làng nón Chuông đã xuất hiện và phát hành từ gần 400 năm trước. 4 Thế kỷ đã trôi qua nhưng làng nghề này vẫn gìn giữ được nghề làm nón truyền thống, lưu lại cái hồn của chiếc nón lá dân tộc. Gần như người dân trong làng ai cũng biết làm nón, kể cả thanh nữ, con trai, người lớn hay trẻ nhỏ.
Với một nơi độc đáo và có bề dày lịch sử như làng nón Chuông thì sẽ có rất nhiều lí do để chúng ta tới đây.
Chợ nón Chuông
Khi đến khu chợ này du khách sẽ có cảm giác như được lạc vào một bộ phim, yêu hơn những sự bình yên quanh mình.
Nón làng Chuông họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch mỗi tháng. Phiên chính vào các ngày 4 và 10. Chợ họp từ rất sớm và kết thúc sau đó vài giờ đồng hồ trong buổi sáng. Thường chợ họp từ 5-8 giờ sáng. Sử dụng xe máy và nên xuất phát sớm.
Tham gia cùng làm nón lá
Bạn có thể tự tay trang trí, tô điểm lên chiếc nón bằng chính đôi tay của mình. Chỉ cần mua một chiếc nón giá từ 30 ngàn đã thỏa thích sáng tạo. Không chỉ cho trẻ em và những đôi bạn trẻ, mọi người đều có thể hòa mình.
Chùa làng Chuông
Một ngôi chùa mang đậm kiến trúc thời xưa. Cùng những lớp rêu, mảnh vỡ như là nhân chứng cho một mà một thời kì vàng son của ngôi làng được trở lại. Người dân làng vẫn hay phơi lụi- nguyên liệu làm nón lá quanh chùa tạo nên khung cảnh nên thơ vào mỗi chiều tà.
Lễ hội Làng Chuông
Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch làng Chuông lại rạo rực không khí lễ hội. Nhất kì nhì hội nên các bạn ở Hà Nội chớ bỏ lỡ. Xem và tham gia những trò chơi truyền thống như nấu cơm niêu, thi nấu cơm, coi múa lân và tham gia phiên chợ đầy thú vị. Hội làng Chuông là nơi cho trẻ nhỏ biết nhiều thêm về những văn hóa dân tộc, tạm rời xa màn hình điện thoại. Cũng như gắn bó tình thân gia đình hơn
Hà Nội với “Ba sáu phố phường năm cửa ô cổ kính” – luôn là điểm đến thú vị với nhiều du khách quốc tế hay kể cả những người con da vàng. Đừng bỏ lỡ các địa điểm vui chơi phố cổ Hà Nội nổi bật nhất.
Làng Quạt Chàng Sơn – Làng nghề làm quạt nan
Làng Quạt Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã được gắn với rất nhiều sự tích huyền bí, trong đó nổi bật nhất là câu chuyện ngày xưa có “hội đồng tiên quạt”, vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền.
Từ thế kỷ 19, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng, từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Người làm quạt giỏi được phong chức Bá Hộ, một chức quan thời phong kiến.
Trước đây khi Nhà nước còn bao cấp, xã Chàng Sơn là một tổ hợp sản xuất quạt giấy chuyên nghiệp, phân phát đi khắp nơi và được Nhà nước bảo trợ. Nhưng sau khi bước qua thời kì đổi mới, chuyển qua nền kinh tế thị trường, nhiều người làm quạt giấy trong làng phải bỏ nghề do không có thị trường tiêu thụ, chỉ còn ít người quyết tâm bám trụ với nghề, không ngại khó, ngại khổ để tìm hướng đi cho nghề cũ của làng.
Người đã có công khôi phục làng quạt truyền thống phải kể đến ông Dương Văn Mơ. Cùng trong thời điểm nghề làm quạt ở Chàng Sơn trước nguy cơ thất truyền, phong trào khôi phục hội lễ truyền thống ở địa bàn các xã quanh Chàng Sơn ngày càng lan rộng. Biết tiếng của ông Mơ, đền thờ làng Bùng đã mời ông phục dựng lại chiếc quạt thờ đã bị mối mọt để dân làng Bùng, xã Canh Nậu cúng tế trong những ngày lễ hội.
Bởi vậy, những chiếc quạt không đơn thuần để làm mát những ngày hè, mà còn là vật chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người và góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Không chỉ vậy, điều thú vị nhất khi về với làng nghề làm quạt truyền thống Chàng Sơn là du khách sẽ được tự tay làm ra những chiếc quạt nan, quạt giấy xinh xắn, qua bàn tay của chính du khách.
Cách đến Làng quạt Chàng Sơn hết sức đơn giản, nếu đi xe máy bạn đi thẳng Đại lộ Thăng Long, rẽ vào đường đi chùa Tây Phương, khi đến ngã tư chùa Tây Phương thì rẽ vào đường dối diện lối vào chùa. Nếu đi xe bus, bạn bắt tuyến bus số 89 từ bến xe Yên Nghĩa, ngay gần ngã tư có một điểm xuống.
Làng Mây Tre Đan Phú Vinh – Nổi tiếng với nghề đan Mây Tre
Theo dòng lịch sử, nghề mây tre đan truyền thống đã tồn tại và phát triển hơn 400 năm. Làng Phú Vinh được hình thành từ năm 1700, với tên gọi ban đầu là làng Phú Hoa Trang (Trời phú cho dân có bàn tay lụa), vì người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre.
Và cứ thế, theo nghề “cha truyền con nối”, những đứa trẻ làng Phú Vinh lớn lên đã gắn bó với cây mây, cây tre, nắm lòng bàn tay các thuộc tính của từng cây tre, từng sợi mây. Dần dần, mây tre đan đã phát triển trở thành nghề truyền thống của làng Phú Vinh. Những người thợ lành nghề càng ngày càng tạo ra nhiều các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh xảo, đa dạng về mẫu mã, chủng loại.
Ở Phú Vinh, hầu như mỗi gia đình thì cũng đều có người làm hàng mây tre. Nghề mây tre đã giải quyết được việc làm cho người dân lúc nông nhàn, việc làm cho phụ nữ, trẻ em, người già và người tàn tật.
Có loại cần sự khéo tay và cũng rất công phu như lẵng hoa quả, khay đĩa, làn, cặp, mũ, chao đèn… với nhiều kiểu dáng phong phú. Có loại thuộc nhóm sản phẩm gia dụng, kích thước lớn… Các mặt hàng mây tre đan của Phú Vinh đang cung cấp cho nhiều nước trên thế giới.
Đến Phú Vinh, du khách không chỉ thăm một làng nghề truyền thống đã nổi tiếng mà còn là dịp vãn cảnh một làng quê của nông thôn Việt Nam ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Làng Nghề Tăm Hương Quảng Phú Cầu – Lâu Đời Hà Nội
Hình thành từ hơn 100 năm trước, làng nghề tăm hương duy nhất của Hà Nội ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30 km. Nghề truyền thống này đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương nói chung và thanh niên tại làng nói riêng đồng thời thu hút được nhiều khách du lịch về tìm hiểu những giá trị văn hóa của người Việt Nam.
Khắp các con đường ở Quảng Phú Cầu nổi lên hai màu đỏ và nâu: Đỏ là màu của chân hương, nâu là màu của thân hương. Những người thợ làm hương ở xã Quảng Phú Cầu tâm niệm: Hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên các công đoạn làm hương không được cẩu thả và các nguyên liệu làm hương luôn phải sạch.
Để hoàn thành một nén hương, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ tre (hoặc vầu), vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói. Và để có được sản phẩm tâm linh này, những người làm hương phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Có một điều đặc biệt là Nghề làm hương tại xã Quảng Phú Cầu diễn ra quanh năm, suốt tháng. Nhưng hối hả và nhộn nhịp, tất bật nhất vẫn là những tháng cận Tết Nguyên đán.
Để ra được một thành phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, mỗi nén hương đều đặt trọn tâm huyết của người làm ra nó. Từ khâu vót tăm, nhuộm chân, se hương đến phơi khô, đóng gói tất cả những công đoạn đều phải đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận không kém phần công phu của người thợ.
Tùy từng loại hương, người làm nghề sẽ lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Còn bây giờ, nhờ công nghệ hiện đại, các cơ sở đều đầu tư máy móc để công đoạn này nhanh hơn, năng suất tăng đáng kể.
Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu. Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ trong từng công đoạn, hương của Quảng Phú Cầu luôn thơm lâu, bền màu, đẹp mắt.
Ngày xưa, người ta chủ yếu làm chân hương bằng tăm vuông, nhưng giờ hiện đại hơn, tất cả đều được cho vào máy, chân hương vừa đều, mà năng suất lại cao hơn. Công việc vất vả này đem đến cho lao động làng nghề nguồn thu nhập khá, người bình thường có thể kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày; người có tay nghề cao, biết chế phẩm rồi nhuộm màu thì có thu nhập cao hơn, khoảng 500.000 đồng/ngày.
Điều đáng ngạc nhiên là, không chỉ bán hàng theo cách truyền thống cho thương lái như trước kia, các cơ sở của làng cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, nhiều sản phẩm như hương vòng, hương nén… của địa phương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Đến Hà Nội là để trải nghiệm, để hòa mình với mảnh đất thủ đô. Ghé ngay các địa điểm vui chơi Hà Nội quen thuộc của người dân nơi đây.
Làng Tương Bần Yên Nhân – Làng nghề Hưng Yên
Dân gian lưu truyền một câu nói “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì; Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”. Câu ca dao trên nhắc đến cũng như ca ngợi các món ăn, ẩm thực vô cùng đặc sắc, hấp dẫn trong đó có Tương bần – Hưng Yên.
Tương Bần được làm ở thôn Bần, xã Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cách Hà Nội khoảng 25 km về phía Đông. Đây là làng nghề làm tương nổi tiếng đã có từ lâu đời với bề dày truyền thống lịch sử. Nếu du khách có dịp đi ngang qua thị trấn bần sẽ dễ dàng bắt gắp cảnh tấp nấp tại những cửa hàng bán tương Bần truyền thống.
Hiện nay, làng nghề tương bần Hưng Yên có khoảng 300 lao động theo nghề với mức thu nhập khoảng 300 – 350/tháng. Không giống với cách làm tương truyền thống, người dân tại làng hiện nay đã áp dụng khoa học kĩ thuật để tăng năng suất và chất lượng của món ăn. Nghề làm tương tại huyện Mỹ Hào đã giải quyết việc làm cho rất nhiều người.
Nấu tương có 3 công đoạn chính là cho xôi lên mốc, ngả đỗ và ủ tương. Đầu tiên, người nấu sẽ cho nếp đã được ngâm sau đó đem đi nấu chín thành xôi dẻo. Khi xôi chín thì xới ra nong, nia rồi để khoảng 2 ngày 2 đêm đến khi xôi lên mốc vàng. Có nhiều hộ gia đình còn ủ xôi trong lá nhãn giúp cho nếp dậy mùi hơn.
Để có bí quyết làm tương ngon thì công tác chuẩn bị nguyên liệu, kỹ thuật pha chế cùng công tác ủ là rất quan trọng. Theo nghệ nhân ở làng Bần truyền lại thì nguyên liệu làm tương gồm có gạo nếp, muối và đỗ tương.
Đặc biệt ở chỗ tương được ủ càng lâu thì hương vị đem lại sẽ càng ngon, sự hòa quyện của gạo nếp và đỗ tương tạo cho tương có màu vàng sánh thơm ngon vị ngọt, vị ngậy đặc trưng. Tương ủ khoảng 2 năm là tương ngon nhất.
Làng Rối Nước Đào Thục – Cái nôi của nghề múa rối
Làng múa rối nước Đào Thục nằm ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nơi đây cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. Làng nghề truyền thống này nằm ở phía dưới bờ đê của sông Cà Lồ. Đây là làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử là nơi sản sinh ra những nghệ nhân múa rối tài ba của Việt Nam.
Theo như những người dân kể lại, trước đây làng nghề múa rối nước này có tên là Đào Xá. Đến thời Đồng Khánh thì được đổi thành Đào Thục. Từ “Thục” trong “Đào Thục” có nghĩa là hiền thục, đoan thục. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vùng đất Thụy Lâm này có rất nhiều người con gái nết na, xinh đẹp.
Sau này khi ông mất, người dân làng nghề đã phong thần, lập bia để vinh danh công lao của ông. Vào ngày giỗ ông (24 tháng 2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ ơn công đức của một vị Tổ nghề.
Bên cạnh những tiết mục mang tính truyền thống, hiện nay làng Đào Thục cũng có những tiết mục hiện đại để phục vụ khán giả như vở kịch “chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm”, “Rước ảnh Bác Hồ”… thu hút đông đảo người xem.
Một trong những nhân vật nổi tiếng và góp mặt trong hầu hết tất cả các tiết mục múa rối chắc chắn không thể không nhắc đến chú Tễu. Đặc biệt, trong múa rối làng Đào Thục, hình ảnh chú Tễu với tên gọi “anh Ba Khí” còn được chế tác vô cùng chân thực không kém phần sống động khi tay cầm quạt mo phe phẩy và có màn chào hỏi “đốt pháo bật cờ” độc đáo.
Trải nghiệm thú vị tại làng Đào Thục chắc chắn sẽ khiến bạn không thể quên khi hiện nay, làng nghề rối nước Đào Thục thường xuyên đón những vị khách trong và ngoài nước ghé đến để tham quan, du lịch và tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật múa rối nước.
Tại làng nghề này còn có những gian hàng bày bán những món đồ lưu niệm thủ công. Bạn sẽ bắt gặp một vài món đồ như quân rối được làm bằng gỗ. Hay những gốc tre được điêu khắc thành những hình thù nghệ thuật.
Làng Nhạc Cụ Dân Tộc Đào Xá – Lưu trữ âm hưởng dân tộc
Theo người dân trong làng, cách đây hơn 200 năm, có cụ Đào Xuân Lan, vốn là thợ mộc đóng đồ cho các gia đình người Pháp nhưng lại rất say mê sửa chữa và làm ra các cây đàn. Bởi niềm đam mê đó mà cụ Lan đã không ngại đi khắp nơi, rong ruổi nhiều năm theo người Hoa để học cách làm ra các loại đàn khác nhau.
Sau nhiều năm bôn ba học nghề, cụ trở về làng truyền lại nghề cho con cháu trong gia đình để có việc làm, kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Sau này, nghề làm đàn dần lan ra khắp làng Đào Xá, bởi vậy, ngày nay, dân làng tôn cụ Đào Xuân Lan là tổ nghề.
Hiện nay ở làng Đào Xá vẫn có nhà thờ tổ nghề làm đàn. Hàng năm vào ngày giỗ tổ, dân làng nghề lại đến đây dâng lễ, tưởng nhớ người đã có công gây dựng cơ nghiệp làng nghề.
Từ khi thành thục nghề, người Đào Xá đã đi khắp mọi nơi, làm việc ở hầu hết các cơ sở sản xuất các loại nhạc cụ dân tộc của cả nước. Thậm chí, những người thợ tài hoa của Đào Xá đã đưa gia đình vào nội thành Hà Nội để lập phường nghề. Nay, các cửa hiệu bán đàn khu vực quanh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chủ yếu là người Đào Xá.
Hiện nay, máy móc có thể tham gia một số công đoạn nhưng cơ bản người thợ vẫn phải làm thủ công từ vào khuôn làm hộp đàn, ghép cần, làm phím, lên dây… đến khâu cuối cùng là tráng sơn, trang trí họa tiết, hoa văn. Cây đàn đạt yêu cầu chất lượng thì khâu thẩm âm là quan trọng nhất.
Nghề làm đàn Đào Xá không giúp cho người dân nơi đây trở nên giàu có nhưng ít nhất là có thể cho họ một cuộc sống tươm tất, đủ đầy. Mỗi tháng, nếu chăm chỉ, chịu khó, một lao động có thu nhập vài triệu đồng. Mức thu nhập này cao hơn hẳn so với làm ruộng.
Tuy nhiên làng nghề này đang có nguy cơ thất truyền
Lý giải cho sự thay đổi đáng buồn, đáng suy ngẫm này, nhiều người dân làng Đào Xá cho rằng, do nhu cầu thưởng thức các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc đang có xu hướng thu hẹp phạm vi như hát xẩm, hát chèo, hát quan họ… nên ít nhiều làng nghề làm đàn cũng bị ảnh hưởng theo.
Thêm nữa, thực tế bây giờ dù là đất làng nghề nhưng thanh niên Đào Xá lại không mấy ai yêu thích nghề làm đàn. Do thời gian học làm đàn kéo dài hàng năm trời, lại gò bó bởi các đòi hỏi kỹ thuật, đến khi thạo nghề lại khó kiếm sống bằng nghề. Phải là người thực sự kiên trì và yêu nghề mới làm được chứ nếu có tài năng nhưng nóng vội thì cũng không phù hợp. Đến khi người học thành nghề thì việc kiếm sống bằng nghề cũng không dễ.
Ðược biết huyện và thành phố Hà Nội đã tính đến phương án đăng ký nhãn hiệu sản phẩm làng nghề để nâng cao vị thế của các sản phẩm. Tuy nhiên, mong muốn đơn giản nhất đối với những người tại làng nghề Đào Xá chỉ là có được đầu ra sản phẩm ổn đinh, nhằm duy trì cuộc sống cho những người làm nghề. Có lẽ đó mới chính là chiếc chìa khóa giúp phát triển bền vững cũng như gìn giữ làng nghề làm đàn Đào Xá.
Làng Nghề Kim Hoàn Định Công – Niềm tự hào người Hà Nội
Theo truyền thuyết, thời Lý Nam Đế có 3 anh em ruột họ Trần tên là Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa,… ở làng Định Công có bàn tay khéo léo, cần cù và chịu khó. Do đó, họ đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng mang tên “Kim Hoàn”.
Sau khi ra mắt, những món đồ vàng bạc mà 3 anh em họ Trần làm ra đều được mọi người yêu thích. Chẳng mấy chốc, những thông tin về sự tinh xảo trong từng đường nét được người dân trên khắp cả nước biết. Hơn thế nữa, cả 3 đều dạy cho dân làng làm nghề đó chung với mình. Do đó, làng Định Công có truyền thống làm vàng bạc được truyền từ đời này qua đời khác.
Với bề dày lịch sử đã tồn tại hơn 1500 năm, làng nghề kim hoàn Định Công có những nét đẹp riêng, độc đáo mà không nơi nào có. Giai đoạn trước 1954 là thời kỳ hoàng kim của làng nghề. Hầu hết các gia đình trong làng đều có người theo nghề. Thêm vào đó, các trang sức mà họ làm ra đều có tính thẩm mỹ, tinh tế cao và được người Hà Nội lúc bấy giờ tin dùng.
Giai đoạn hiện nay, việc duy trì, gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống này tương đối khó khăn, phức tạp. Không chỉ là khía cạnh về đồng tiền, những nghệ nhân tại làng Định Công còn gặp rất nhiều vấn đề khác. Vì thế, có một sự thật đáng buồn là tại làng hiện nay, số lượng gia đình còn theo nghề tương đối ít.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử cùng với nghề đậu bạc truyền thống ở làng Định Công nơi đây đã để lại một nét đẹp độc đáo trong bức tranh đặc sắc, đa dạng các làng nghề thủ công truyền thống tại thủ đô.
Làng Chuồn Chuồn Tre Thạch Xá – Làng nghề truyền thống
Làng nghề làm chuồn chuồn tre tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội nằm ngay dưới chân chùa Tây Phương. Thạch Thất chính là vùng đất cổ có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời. Không chỉ có làng chuồn chuồn, nơi đây có đến 50 làng nghề, trong đó có 10 làng nghề được cấp bằng công nhận là “làng nghề truyền thống”.
Từ những cây tre xanh, một trong những biểu tượng thể hiện vẻ đẹp, sự khỏe khoắn của làng quê Việt Nam. Các nghệ nhân dân gian Thạch Xá đã cho ra đời những chú chuồn chuồn tre độc đáo, với tạo hình bắt mắt. Chuồn chuồn có nhiều màu sắc khác nhau, mỗi sản phẩm là một vẻ đẹp riêng và điều chắc chắn là chúng có thể đậu được khắp mọi nơi nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực mà không cần gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào.
Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng khi đi vào chi tiết thì mới thấy là để làm ra được một sản phẩm các nghệ nhân đã phải mất khá nhiều thời gian và sự tỉ mẩn của mình. Những cây tre được lựa chọn kỹ lưỡng từ những rừng cây ở các tỉnh miền núi như Hà Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Tre dài, mỏng được đem về cạo sạch, phơi khô rồi sấy cho trắng, cho đẹp sau đó bắt đầu đến công đoạn tạo hình.
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá có lẽ cũng vì vậy mà được hoàn thiện qua đôi bàn tay khéo léo tinh tế của con người nơi đây. Nếu muốn một lần được trở về tuổi thơ, hãy đến ngôi làng này và tự tay trang trí cho những chú chuồn chuồn của mình và đừng quên check-in tại đó nhé.
Làng Nghề Thêu Ren Quất Động – Cái nôi của làng nghề thêu
Thời Nguyễn, xã Quất Động là một trong chín xã thuộc Tổng Bình Lăng Phú, Thường Tín trấn, Sơn Nam Thượng. Làng Quất Động là một làng lớn với dân số chiếm 2/3 dân số toàn xã. Xã Quất Động có nhiều thôn, xóm làm nghề thêu, nhưng được coi là gốc của nghề thêu tay người ta thường nhắc đến làng Quất Động.
Xã Quất Động hiện có 8 thôn: Quất Động (Quất Động 1 và Quẩt Động 2), Quất Lâm, Quất Tỉnh, Đức trạch, Đô Quan, Nguyên Bì, Hướng Xá, Liêu Xá.
Tại làng Quất Động thì nghề thêu được chia thành 3 loại hình:
- Thứ nhất: Thêu tranh (phong cảnh, hoa, động vật, địa danh, …)
- Thứ hai: Thêu chân dung (Vua chúa, Nhân vật lịch sử, Nguyên thủ quốc gia,…)
- Thứ ba: Thêu trang phục cung đình, phục chế trang phục,…
Trong đó thêu tranh được xem là đơn giản nhất vì tự do sáng tác theo cảm xúc của người thêu, tùy theo độ say mê, yêu nghề, đường nét tinh tế hay thô sơ sẽ thể hiện chất lượng của bức tranh.
Thêu chân dung là khó nhất vì cần phải hiểu và cảm nhận được thần thái của nhân vật, sau đó phải biết cách thể hiện tinh thần đó thông qua những nét chỉ, nếu không tinh tế thì sẽ không thể thành công.
Thêu và phục chế trang phục cung đình lại đòi hỏi sự tuân chỉ nghiêm ngặt những nguyên tắc đã quy định đối với trang phục cung đình, thể hiện thứ hạng của từng loại trang phục, màu sắc, hoa văn phải chính xác, không được phép sáng tạo.
Ngoài nghề thêu, nhiều nhà còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách…trên sản phẩm thêu. Mọi nhà đều làm trên đơn đặt hàng với mẫu mã cho sẵn hoặc tự sáng tác, cứ 2 ngày 1 lần, các đơn vị và du khách lại về mua và vận chuyển hàng đi các tỉnh.
Làng Đúc Đồng Ngũ Xã – Tinh hoa truyền thống Việt
Nghề đúc đồng truyền thống của Việt Nam đã có từ hàng ngàn năm trước. Thời các vua Hùng dựng nước đã có các khí vật được làm bằng đồng: Mũi tên đồng, ngọn giáo đồng… trên các linh vật như trống đồng Đông Sơn được chạm trổ những đường nét, hoa văn, các biểu tượng đặc trưng của văn hóa dân tộc vô cùng tinh xảo.
Các tác phẩm nổi tiếng khác như tượng Trấn Vũ bằng đồng đen ở đền Quán Thánh đúc năm 1677, chuông chùa Một Cột cũng được nhiều tài liệu ghi nhận là sản phẩm của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã.
Làng Hoa Tây Tựu – làng hoa nổi tiếng tại Kinh Kỳ
Nghề trồng hoa ở làng Tây Tựu bắt đầu hình thành từ những năm 30 của thế kỷ trước nhưng phải đến đầu những năm 90 thì người dân mới bắt đầu mở rộng quy mô và tập trung trồng hoa.
Vào đầu năm 2017, làng hoa Tây Tựu vinh dự được UBND quận Bắc Từ Liêm trao tặng danh hiệu làng nghề truyền thống.
Những trải nghiệm thú vị khi đến làng hoa Tây Tựu
Đặt chân tới làng hoa Tây Tựu, điều đầu tiên là bạn sẽ được chiêm ngưỡng muôn màu sắc hoa giống như là bạn đã lạc vào một xứ sở hoa thu nhỏ. Nơi đây trông hàng chục loại hoa nhiều màu sắc, hình dạng và kích thước, và mùi thơm khác nhau.
Trong đó thương hiệu làng hoa Tây Tựu nổi tiếng nhất với các loại hoa cúc, hoa hồng, thạch thảo tím, hoa thược dược, hoa đồng tiền, hoa lay ơn và cả hoa violet, hoa ly, hoa loa kèn.
Sắc cúc tinh khôi đẹp ngất ngây giữa đất trời
Hoa cúc là loài hoa được trồng ngắn ngày nhưng lại có sức chịu đựng rất tốt vì thế nên đã được trồng phổ biến ở làng hoa Tây Tựu. Nơi đây cũng là nơi trồng đa dạng sắc hoa cúc, từ cúc trắng tới cúc vàng, cúc tím. Những thửa hoa cúc thẳng tắp, muôn màu nở thành từng đóa lớn rực rỡ màu sắc giữa đất trời.
Rực rỡ sắc hoa muôn màu ngày Tết
Bên cạnh đó, làng hoa Tây Tựu còn trồng những loài hoa theo mùa vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong các dịp lễ tết. Nếu bạn đến với Tây Tựu những ngày cận Tết, bạn sẽ choáng ngợp trước ngàn hoa đua nhau khoe sắc rạng rỡ chào xuân.
Khung cảnh check – in lý tưởng
Một điều không thể bỏ qua là làng hoa cũng là một địa điểm lý tưởng để bạn chụp ảnh, sống ảo với đám bạn. Những bức ảnh lung linh nhiều sắc màu chắc hẳn sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời của bạn và mọi người trong chuyến tham quan làng hoa Tây Tựu đấy! Và khi chụp ảnh thì bạn đừng quên một điều là nên xin phép những người dân nơi đây nhé!
Làng Nghề Nặn Tò He – Làng nghề thủ công truyền thống lâu đời tại Hà Nội
Tò he là một loại đồ chơi dân gian lâu đời của trẻ em Việt Nam được tạo ra bằng những nguyên liệu đơn giản như bột gạo nếp pha lẫn với đường, điều đặc biệt là có thể ăn được. Thủa đầu, tò he là sản phẩm dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá… vì vậy, người ta gọi sản phầm này là “đồ chơi chim cò”.
Một số vùng quê ở Việt Nam, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi… tạo thành mâm cỗ để đi lễ chùa. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên người ta gọi là “tò te”, sau này nói chệch thành “tò he”.
Nghề tò he có ở nhiều vùng quê Việt Nam, nhưng ở làng nghề truyền thống tò he Xuân La, hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he. Những người thợ tài hoa ở làng Xuân La làm ra những đồ chơi, con vật sinh động, ngộ nghĩnh, khiến trẻ em ngỡ ngàng, thích thú.
Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ không có khó khăn gì để nặn được tò he, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Nặn tò he được xem là một bộ môn nghệ thuật, đòi hỏi nghệ nhân phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết nhỏ thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt.
Các nghệ nhân được các trường mời phối hợp giảng dạy môn nghệ thuật nặn Tò he, giúp trẻ em và các bạn sinh viên hiểu và làm quen với đồ chơi truyền thống và chương trình hoạt động ngoại khoá.
Vượt lên trên giới hạn của một nghề mưu sinh hay những khái niệm cơm áo gạo tiền, thì nghề nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Qua danh sách những làng nghề truyền thống Hà Nội mà Top360.vn hy vọng các bạn sẽ có thêm thông tin cũng như là đến để tham quan, vừa có một địa điểm thú vị với lũ bạn, vừa tham gia vào công cuộc giữ gìn nét văn hóa bản sắc, mang đậm tính truyền thống, giúp gìn giữ và phát triển ra không chỉ ở trong nước mà còn là bạn bè quốc tế.